Suy tuyến thượng thận hay suy vỏ thượng thận, còn gọi là bệnh Addison là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortison, đôi khi là cả aldosteron dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân (BN), thậm chí gây tử vong.

Có 2 nhóm nguyên nhân gây thượng thận

Nguyên nhân tại tuyến thượng thận (suy thượng thận tiên phát): Phần vỏ thượng thận bị phá hủy nên không thể sản xuất đủ hormon theo nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch coi tuyến thượng thận là một vật ngoại lai xa lạ nên đã tấn công phá hủy tuyến nội tiết này. Các nguyên nhân khác có thể là lao hoặc viêm tuyến thượng thận do vi khuẩn, di căn ung thư tới thượng thận, chảy máu tuyến thượng thận...

vi-tri-cua-than-trong-co-the.webp

Ảnh minh họa

Nguyên nhân ngoài tuyến thượng thận (suy thượng thận thứ phát): Do tuyến yên bị tổn thương nên sản xuất ACTH ( hormon kích vỏ thượng thận), bị giảm, hậu quả là hoạt động của tuyến thượng thận cũng bị giảm mặc dù nó không hề bị tổn thương.

Biểu hiện của suy tuyến thượng thận

Tùy theo mức độ tổn thương hoặc giảm sản xuất các hormon nhanh hay từ từ mà người ta chia suy thượng thận thành 2 loại cấp và mạn tính. Mức độ nặng của 2 loại suy thượng thận này có khác nhau.

Suy thượng thận mạn tính: Quá trình giảm sản xuất hormon diễn ra chậm, thường do các nguyên nhân tự miễn, lao thượng thận. Các triệu chứng cũng xuất hiện từ từ, kín đáo cho đến khi BN suy sụp. BN cảm thấy yếu mệt và mỏi cơ. Mệt xuất hiện ngay khi ngủ dậy và kéo dài suốt cả ngày; gầy sút, chán ăn; da sạm đen, nhất là ở mặt, môi, lưỡi, khuỷu tay, núm vú...; huyết áp thấp, có thể ngất do huyết áp quá thấp; buồn nôn, nôn, ỉa chảy; trầm cảm.

Suy thượng thận cấp tính: Bệnh cảnh là BN bị tổn thương tuyến thượng thận đột ngột, nhanh, chẳng hạn do chảy máu hoặc BN có suy thượng thận mạn tính bị mắc thêm các bệnh nặng khác như viêm phổi, chấn thương...; Các triệu chứng nặng, xuất hiện đột ngột: đau bụng, đau lưng, đau chân; nôn và ỉa chảy nhiều gây mất nước nặng; huyết áp thấp, tụt, có khi không đo được; lơ mơ, có thể hôn mê.

Để chuẩn đoán được bệnh thì phải làm một số xét nghiệm

Xét nghiệm máu: Nồng độ hormon tuyến thượng thận như cortison và đôi khi cả aldosteron thấp.

- Nồng độ hormon tuyến yên ACTH tăng trong suy thượng thận tiên phát, giảm trong suy thượng thận thứ phát.

- Các chất điện giải trong máu như natri giảm nặng, kali máu có thể bình thường hoặc tăng. Đường máu cũng thấp, có khi nhỏ hơn 2mmol/l.

- Các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân gây suy thượng thận như các kháng thể (trong bệnh tự miễn)...

Ngoài ra cần thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vùng tuyến thượng thận có thể phát hiện các nguyên nhân gây tổn thương tuyến thượng thận như u, chảy máu, vôi hóa (thường do lao)... Hoặc chụp tuyến yên phát hiện nguyên nhân gây tổn thương tuyến yên (gây suy thượng thận thứ phát) như u tuyến yên, u não chèn ép tuyến yên, tuyến yên bị teo...

Đối với việc điêu trị

-Điều trị suy thượng thận mạn tính bằng cách bổ sung các hormon thượng thận mà chủ yếu là cortison dưới dạng các thuốc uống như hydrocortison, prednisolon. Do nguyên nhân phổ biến gây suy thượng thận là bệnh tự miễn nên điều trị  thường là suốt đời, nhưng liều lượng có thể thay đổi, cụ thể là tăng lên khi BN bị ốm, sốt, ỉa chảy, mệt... hoặc mắc thêm bệnh khác.

-Điều trị cơn suy thượng thận cấp: Do suy thượng thận cấp là bệnh nặng, có thể gây tử vong do các nguyên nhân huyết áp tụt, hạ đường huyết, tăng kali máu... nên người bệnh cần được điều trị tích cực và nhanh chóng, các thuốc phải được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch hydrocortison, truyền tĩnh mạch các dung dịch đường glucose hoặc muối natri clorua.