Suy thận là bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bệnh lại diễn tiến âm thầm qua nhiều năm tháng. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi bệnh đã quá nặng. Nhận biết sớm triệu chứng suy thận sẽ giúp ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu!

Dấu hiệu suy thận bạn cần biết

Đa số các triệu chứng suy thận là không rõ rệt, thường gặp là mất cảm giác ngon miệng, choáng váng và nôn. Những triệu chứng này có thể xuất hiện khi mắc các bệnh: cảm cúm, ngộ độc thức ăn, thức ăn không hợp khẩu vị, thiếu chất đạm hay bị nhược cơ. Người cao tuổi, bị tiểu đường, tăng huyết áp hoặc gia đình có người bị bệnh thận là những yếu tố dễ bị suy thận.

Dấu hiệu toàn thân: mệt mỏi (thường xuyên mệt hoặc chỉ mệt khi hoạt động thể lực), khó tập trung, giảm trí nhớ và mất ngủ... có thể do thiếu máu, do chức năng thận suy giảm nên không loại bỏ được các chất độc. Những triệu chứng này cũng xuất hiện vì các nguyên nhân khác, do đó cần thăm khám tỉ mỉ và làm các xét nghiệm.

Suy thận có thể do sự tích tụ các chất độc hại trong cơ thể: Có vị tanh trong miệng hoặc hơi thở hôi, choáng váng, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, sợ ăn thịt, khó tập trung, bị ngứa.

Suy thận do tích tụ nước trong cơ thể: phù ở mặt, chân hoặc tay, khó thở, hụt hơi (do có nước ở trong phổi). Giữ nước biểu hiện bằng các triệu chứng: phù, tăng huyết áp và khó thở. Phù trắng, mềm, ấn lõm, đôi khi chỉ nặng hai mi mắt hoặc nặng hơn là phù to toàn thân, tăng cân nhanh chóng. Tăng huyết áp cả số tối đa và số tối thiểu. Sự mất cân bằng giữa lượng muối và nước uống, có thể làm nước tích tụ. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân phải ăn nhạt và dùng thuốc lợi tiểu. Nhưng liệu pháp này có thể không kéo dài được lâu và bệnh nhân phải lọc máu. Do đó bệnh nhân suy thận, khi thấy những triệu chứng trên cần phải đến khám để được điều trị phù hợp, kịp thời.

Suy thận có thể do thận bị tổn thương: đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có bọt hoặc bong bóng, đi tiểu ra máu.

Suy thận có thể do thiếu máu: mệt mỏi, yếu sức, luôn thấy lạnh, khó thở, lú lẫn...

Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân suy thận như: ngứa ngoài da, có thể là do hàm lượng phospho và canxi trong máu cao. Nhưng có một số bệnh nhân, mặc dù đã điều chỉnh hàm lượng phospho và canxi máu nhưng triệu chứng ngứa vẫn còn, có lẽ do kích thích thần kinh trong da, do sự tích tụ các độc tố bởi thận không có khả năng lọc. Đối với trường hợp này, phải tiến hành chạy thận nhân tạo để điều trị. Bệnh nhân có thể thấy đau ở chân tay, nếu xác định bệnh nhân bị đau dây thần kinh do thận thì cần phải lọc máu.

xet-nghiem-danh-gia-chuc-nang-than.webp

Đi khám định kỳ để phát hiện sớm suy thận

Làm gì để phát hiện và điều trị suy thận sớm?

Bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra để xác định chính xác suy thận khi các triệu chứng xuất hiện, vì các dấu hiệu của suy thận không rõ rệt và đặc thù. Nhiều trường hợp, việc điều trị chỉ dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp khác mà không phải chạy thận nhân tạo. Chỉ định chạy thận nhân tạo phải dựa vào kết quả xét nghiệm và các triệu chứng bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính bệnh nhân phải được điều trị sớm mới có hiệu quả cao và tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Bệnh suy thận thường không có nhiều dấu hiệu, bạn nên ghi lại các dấu hiệu của mình, theo dõi và báo cho bác sĩ biết.

Cần tìm hiểu nhiều thông tin hơn để loại trừ bệnh và nếu có bị bệnh, khi được phát hiện sớm, có thể thực hiện các cách làm chậm tiến trình phát triển bệnh. Một phương pháp để làm chậm tiến trình phát triển bệnh hay ngăn chặn không thể xảy ra suy thận mạn, đặc biệt là khi bệnh mới bị ở giai đoạn đầu là kiểm soát huyết áp. Nên điều trị tích cực để giữ huyết áp ở mức trung bình (120/80mmHg) hoặc thấp hơn nếu bạn bị tiểu đường và/hoặc có protein trong nước tiểu.

Thanh Loan