Cà muối, dưa muối có tác dụng kích thích tiêu hoá giúp ăn ngon miệng, dễ tiêu, bổ sung vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hoá như lactobacillus, acidophilus và plan-tarum, cung cấp một lượng chất xơ lớn cho cơ thể, hạn chế một số bệnh do thiếu xơ gây ra như trĩ, táo bón, ung thư ruột kết… Nhưng người bị bệnh thận như sỏi thận, suy thận thì tuyệt đối không nên ăn dưa muối.

Dưa cà muối được chế biến nhờ quá trình lên men lactic do vi khuẩn lactic có trong tự nhiên phát triển và tạo ra sự lên men. Nhờ có men nên dưa muối có tác dụng kích thích tiêu hóa. Bình thường, trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ ở dạng vết, nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên trong vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit, nhưng nitrit giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Khi dưa khú thì hàm lượng nitrit lại tăng cao.

AnyConv.com__kim-chi-dua-chuot-2.webp

Bệnh thận không nên ăn dưa muối

Nitrit khi vào cơ thể sẽ tác dụng với amin bậc hai có trong một số thức ăn như tôm, cá, mắm tôm... tạo thành hợp chất nitrozamin có nguy cơ gây ung thư. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe thì bạn không nên ăn dưa muối còn cay hoặc đã bị khú. Mặt khác, những người mắc bệnh thận, dạ dày cũng nên hạn chế ăn đồ muối bởi lẽ chúng có hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, sẽ làm bệnh tăng thêm.  

Những loại rau củ quả dùng làm dưa muối thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Vì thế, nếu quá trình làm không đảm bảo vệ sinh thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu quả cà, rau cải đã bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dụng cụ muối bị nhiễm bẩn, hoặc có dùng chất phụ gia chống thối (chống tạp khuẩn lên men thối) quá liều lượng quy định khi muối… thì khi đó món cà muối, dưa muối sẽ trở thành món ăn vô cùng độc hại. Người bị suy thận ăn dưa muối có thể gây phù và bệnh trầm trọng hơn.