Làm thế nào để người chưa suy thận có thể bảo vệ được quả thận của mình? Người suy thận nhẹ không tiến triển thành suy thận nặng? Người suy thận nặng không tiến triển sang giai đoạn cuối? Người đang lọc thận sống khoẻ với liệu pháp điều trị của mình. Dưới đây là chế độ ăn uống giúp dưỡng thận khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thận

Thận có ba chức năng chính: Thải độc đặc biệt là urê; điều hoà huyết áp và tạo máu; tạo xương. Vì vậy khi suy thận sẽ có các biểu hiện liên quan đến ba chức năng này: ngộ độc urê, cao huyết áp, thiếu máu và loãng xương. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống khoa học, sẽ góp phần phòng ngừa bệnh thận cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. 70% bệnh nhân suy thận là do bệnh cao huyết áp và tiểu đường, vì vậy cần tránh lối sống nguy cơ cao như hút thuốc, uống rượu, ít vận động, ăn mặn, ăn nhiều chất béo.

Nên có nếp sống điều độ, ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, không bao giờ để bị quá đói và không nên ăn quá no. Tăng vận động mỗi ngày bằng mọi hình thức khi có thể như đi bộ thay vì đi xe máy, leo cầu thang thay vì đi thang máy… hoặc có một hình thức vận động đều đặn mỗi ngày như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ... Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tầm soát căn bệnh tiểu đường, cao huyết áp, biểu hiện sớm của suy thận như microalbumin. Khi dùng thuốc nên xin ý kiến bác sĩ điều trị về ảnh hưởng của thuốc đối với thận, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đã mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bạn cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và điều trị một cách nghiêm ngặt.

ban-biet-gi-ve-tinh-trang-viem-cau-than (2).webp

Ăn nhạt giảm muối tốt cho sức khỏe thận

Thông thường, một chế độ ăn không quá nhiều đạm (0,8 - 1g/kg/ngày), muối ở mức cho phép (3 - 5g muối/ngày) sẽ có lợi cho quả thận của bạn. Với thói quen ăn 3 - 4 lần/tuần các loại thực phẩm có độ đạm thấp như miến dong, bột báng, các sản phẩm từ bột năng như bánh canh, bánh bột lọc, súp măng cua… bạn đã giúp quả thận của mình được giảm tần suất làm việc độ 20 - 30%.

Bảo vệ quả thận đã thương tổn

Chán ăn là biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân suy thận. Và đây là nguyên nhân chính làm bệnh nhân ăn không đủ năng lượng nhu cầu, buộc cơ thể phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ do thoái hoá đạm từ các khối cơ và hậu quả là tăng sản xuất urê, một độc tố cần được thải ra khỏi cơ thể qua thận. Do vậy, người suy thận phải tăng đậm độ năng lượng khẩu phần từ các nguồn béo tinh bột không chứa đạm; giảm lượng đạm từ ngũ cốc, tăng lượng thực phẩm chứa đạm có giá trị sinh học cao như trứng, sữa, thịt, cá, đậu hũ; thải bớt natri, kali, phốtpho trong thực phẩm khi chế biến; giảm muối.

Làm thế nào biết mình suy thận?

Ở giai đoạn rất sớm là tổn thương nhu mô thận, người suy thận không hề có triệu chứng gì trừ triệu chứng tiểu đạm vi thể (microalbumin). Khi chức năng thận còn dưới 10% thì mới có biểu hiện rõ ràng như tiểu nhiều, thiếu máu, phù, cao huyết áp, mau mệt, chán ăn. Giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân tiểu ít hoặc không tiểu, lúc này người bệnh cần được cung cấp liệu pháp thay thế như lọc thận, ghép thận để duy trì sự sống.

Để tăng đậm độ năng lượng khẩu phần và giảm lượng đạm từ ngũ cốc, người suy thận nên thay những món ăn luộc, kho bằng những món xào chiên hoặc tẩm bột chiên. Có một bữa ăn trong ngày sử dụng miến dong hoặc các sản phẩm từ bột lọc (như thay một tô phở gà bằng một tô miến gà). Hoặc vào các bữa ăn phụ nên chọn bánh bột lọc, súp măng cua, bột sắn dây pha đường. Nếu bạn chỉ quen ăn cơm thì có thể nấu cơm độn miến với công thức 200g gạo, 100g miến: miến ngâm nước cho mềm cắt thành sợi ngắn độ 0,5cm để ráo, khi cơm sôi đổ miến vào ghế đều. Với một chén cơm độn miến (có 4,1g đạm) thay cho chén cơm thường (có 5,9g đạm), bạn đã giảm được 1,8g đạm. Với lượng đạm giảm này, bạn có thể ăn thêm nửa hũ yaourt, một cái trứng cút là các thực phẩm có giá trị sinh học cao.

Để thải bớt kali, phốtpho, natri: các loại rau củ nên cắt nhỏ, ngâm nước, luộc với nhiều nước (gấp 5 - 10 lượng rau củ), đổ nước và chỉ ăn xác.

Để giảm muối: ngoài lượng muối tự nhiên trong thực phẩm (trung bình 2g/ngày), lượng muối có thể dùng để nêm và ăn thêm mỗi ngày 3g tức một muỗng gạt càphê muối, ba muỗng canh nước mắm (13ml) hoặc năm muỗng canh nước tương (20ml). Lượng nước uống bằng lượng nước tiểu trong ngày cộng 500ml.

Bệnh nhân có quả thận bị tổn thương nặng, cần sử dụng các liệu pháp thay thế như lọc thận, ghép thận... cũng ăn uống như bệnh nhân có thương tổn thận nhưng cần nghiêm ngặt hơn vì nguy cơ thừa nước, muối, kali cao có thể dẫn đến tử vong. Tốt nhất, các trường hợp này cần được tư vấn trực tiếp của bác sĩ để xây dựng thực đơn cụ thể phù hợp với phương pháp điều trị.