Sỏi thận - Nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn
Sỏi thận được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận - căn bệnh ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể và tính mạng bệnh nhân. Sỏi thận hình thành do sự tăng quá mức nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat natri, cystine hay phốt pho, lắng đọng trong đài, bể thận và kết thành sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài theo nước tiểu mà không gây triệu chứng gì. Viên lớn hơn có thể vẫn di chuyển được theo dòng nước tiểu nhưng gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu, hay mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản, gây viêm tắc niệu quản, bí tiểu. Những viên có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn rất dễ làm tổn thương thận, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái dắt, đái đục. Khi sỏi xuất hiện ở hai bên thận, kết hợp với đường tiểu bị viêm nhiễm nặng sẽ khiến chức năng thận bị suy giảm và lâu dần dẫn đến suy thận.