Đây là một căn bệnh di truyền, biểu hiện là có nhiều nang chứa dịch xâm lấn cả vỏ thận lẫn tụy thận. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị thận đa nang. Tuy nhiên, nếu hiểu biết về bệnh và biết cách đề phòng biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể sống an toàn tới 70-75 tuổi. Trong chứng bệnh này, thận phình ra vì chứa rất nhiều nang. Thông thường cả 2 thận đều to nên chẩn đoán tương đối dễ. Cũng có trường hợp bệnh phát triển không đều, một bên thận to hơn bên kia nên khó chẩn đoán. Rất hiếm trường hợp chỉ mắc bệnh một bên thận.

Nếu đem bổ đôi quả thận có bệnh, sẽ thấy chi chít nhiều nang to nhỏ khác nhau xâm lấn cả vỏ thận lẫn tủy thận. Chất dịch trong nang màu vàng chanh hoặc nâu, có khi có máu và dịch đục. Các đài bể thận đều bị biến dạng. Ở một số vỏ nang có chất canxi. Khoảng 2-3% trường hợp thận đa nang có kèm theo ung thư thận. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ. Các căn cứ để chẩn đoán xác định bao gồm:

- Tính chất gia đình: Trong một nhà có thể có nhiều người cùng bị. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của thận đa nang thường xuất hiện ở tuổi tráng niên.

- Khối u vùng hạ sườn - thắt lưng: Người bệnh có thể cảm thấy hoặc sờ thấy ở cả 2 bên.

- Đau: Cảm giác đau thường âm ỉ nhưng cũng có khi dữ dội, đau lan ra trước bụng và lên ngực.

- Tiểu ra máu: Do nang bị vỡ hoặc do có sỏi thận kèm theo.

xet-nghiem-tong-phan-tich-nuoc-tieu-chuan-doan-chuc-nang-than.webp

Tiểu ra máu có thể là dấu hiệu thận đa nang

- Tăng huyết áp: Do các động mạch trong thận bị chèn ép.

- Viêm đường tiết niệu: Thường là viêm bể thận và thận, rất nặng.

- Suy thận ở các mức độ khác nhau.

- Có sỏi uric do tổn thương biểu mô ống thận, làm giảm hấp thu axit uric.

Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm chụp thận thuốc (giúp xác định 80% trường hợp thận đa nang), chụp động mạch thận, siêu âm, chụp cắt lớp (giúp phát hiện sỏi, kể cả sỏi không cản quang).

Phương pháp chủ yếu chữa thận đa nang là điều trị nội khoa đề phòng biến chứng, cụ thể là:

- Theo dõi diễn biến của bệnh một cách kịp thời.

- Có chế độ ăn uống hợp lý, không bia, không rượu, không thuốc lá, ít thịt, giảm mỡ và tăng cường hoa quả.

- Tránh lao động quá nặng nhọc; đặc biệt phải đề phòng tai nạn va đập mạnh vào vùng thận.

- Làm hạ huyết áp.

- Điều trị sỏi uric bằng cách kiềm hóa nước tiểu và hạn chế muối.

- Đề phòng nhiễm khuẩn niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm.

- Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu,...

Người mắc bệnh thận đa nang chỉ được chỉ định mổ khi sỏi làm tắc đường tiết niệu hoặc nang bị nhiễm khuẩn, chảy máu không khống chế được. Với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.