Nước ta hiện có tới khoảng 16.000 người lớn và 8.000 trẻ em cần ghép thận. Đây là những bệnh nhân bị thận bẩm sinh như dị dạng đường tiết niệu, hoặc mắc phải (thận hư kháng corticoid), bệnh miễn dịch hệ thống (lupus...). Ghép thận là phương pháp tối ưu khi thận bị suy. Khi bị suy thận, bạn cần tìm hiểu những điều cơ bản sau về ghép thận.

Nguyên nhân làm suy thận

Thận làm nhiệm vụ lọc chất dịch và chất cặn bã trong máu. Khi thận mất khả năng lọc, dịch và chất cặn bã sẽ tích tụ trong cơ thể - tình trạng này được gọi là suy thận. Đôi khi suy thận phát triển đột ngột (suy thận cấp tính). Loại suy thận này thường do phẫu thuật, chấn thương, viêm nhiễm hay rối loạn máu. Nhờ điều trị tích cực, suy thận cấp thường có thể chữa được.

Tuy nhiên, suy thận thường tiến triển chậm (suy thận mãn tính). Loại suy thận này thường do tiểu đường, huyết áp cao hay mắc bệnh thận mạn. Nếu không điều trị, suy thận mạn có thể tiến triển tới giai đoạn cuối của bệnh thận. Lúc này, chức năng thận rất yếu. Bệnh nhân cần chạy thận hoặc ghép thận.

AnyConv.com__ghep-than.webp

Ảnh minh họa

Những ai cần ghép thận?

Đôi khi suy thận mãn tính có thể kiểm soát nhờ chế độ ăn uống, thuốc men và điều trị nguyên căn chính gây ra suy thận và các biến chứng. Tuy nhiên, nếu thận không thể chịu đựng thêm, bệnh nhân cần ghép thận. Để chuẩn bị cho việc ghép thận, bệnh nhân cần uống thuốc do bác sỹ kê đơn, bên cạnh việc ăn uống và tập thể dục theo hướng dẫn. Đi khám định kỳ và vẫn tham gia sinh hoạt gia đình và xã hội bình thường, tinh thần lạc quan thoải mái. nếu có điều kiện, người bệnh nên tham gia vào một tổ chức hỗ trợ người bệnh.

Điều gì diễn ra trong khi cấy ghép?

Ghép thận thường kéo dài 3 giờ đồng hồ. Bác sỹ phẫu thuật sẽ đặt quả thận mới vào bụng dưới của người bệnh. Nếu thận cũ không gây ra bệnh tăng huyết áp hay viêm nhiễm cho bệnh nhân thì vẫn được giữ nguyên. Các mạch máu của quả thận mới sẽ được nối vào phần dưới bụng. Niệu quản của quả thận mới sẽ được nối với bàng quang của bệnh nhân. Quả thận mới sẽ tạo ra nước tiểu y như quả thận cũ. Thường ngay sau khi phẫu thuật, quả thận này sẽ làm việc luôn. Trong một số trường hợp, quả thận mới sẽ làm việc sau vài tuần. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vùng vết khâu do vết thương đang lành. Thời gian hồi phục nằm viện thường chỉ từ ba tới năm ngày, sau đó sẽ cần theo dõi trong vòng ba tới bốn tuần nữa.

Sau khi cấy ghép, cần chú ý những gì?

Dù người hiến và người nhận nhận thận phù hợp tới mức nào, hệ miễn dịch của người bệnh cũng sẽ cố đào thải quả thận mới. Bệnh nhân cần uống thuốc để "kiềm chế" hệ miễn dịch, thuốc này phải uống suốt đời. Tuy nhiên, một số loại thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ. Các loại thuốc chứa steroid có thể làm cho mặt bị phù. Bệnh nhân có thể tăng cân, mọc mụn hay lông mặt, hoặc đau dạ dày. Theo thời gian, các tác dụng phụ này sẽ giảm dần. Do thuốc có tác dụng "kiềm chế" hệ miễn dịch, cơ thể bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, bác sỹ có thể sẽ kê thêm các loại thuốc chống vi khuẩn, virus và nấm.

Một vài loại thuốc cho hệ miễn dịch cũng có thể gây ra một số bệnh nhất định, chẳng hạn như huyết áp cao hay ung thư. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân sẽ được điều trị để chống đào thải và giảm các tác dụng phụ không mong muốn. Bác sỹ phải thường xuyên theo dõi tình trạng của bệnh nhân để điều chỉnh thuốc nếu cần thiết. Bệnh nhân sẽ cần theo một chế độ ăn uống riêng để giúp quả thận mới khỏe mạnh - mặc dù vậy, không cần quá kiêng khem như với bệnh nhân chạy thận. Bệnh nhân sẽ cần có lượng calo nhất định và hạn chế ăn mặn.

Và tỷ lệ thành công

Hầu hết những người ghép thận đều có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khoảng 95% những người ghép thận từ người hiến sống có thế sống hơn 1 năm, và hơn 80% sống trên 5 năm (theo tổ chức Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng). Nhiều người sẽ quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra khi quả thận mới lại bị suy? Các bác sỹ khẳng định rằng, không phải cứ ghép thận là được an toàn. Đào thải có thể xảy ra nhanh hoặc chậm. Trong một số trường hợp, nguyên nhân sâu xa gây ra thận suy cũng có thể làm tổn hại quả thận mới. Nếu quả thận mới lại bị suy, bệnh nhân có thể tiếp tục chạy thận hoặc ghép thận lần hai. Hoặc có thể không điều trị nữa. Quyết định quan trọng này phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân, khả năng chịu đựng phẫu thuật và hi vọng duy trì chất lượng cuộc sống.