Suy thận là vấn đề ngày càng trở nên phổ biến, có tính toàn cầu không chỉ với người làm y tế mà còn với cả cộng đồng. Bệnh thận thường là nguyên phát hoặc xuất hiện thứ phát. Trước đây là ở các bệnh do sỏi hay nhiễm khuẩn, sau này là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh chuyển hóa lipid, bệnh gút... Để phòng chống và điều trị được bệnh lý thận tiết niệu thì không chỉ ngăn chặn những bệnh gây ra tổn thương thận mà còn cần phát hiện sớm những tổn thương thận.

Phát hiện bệnh thận sớm bằng cách nào?

Dựa vào hai chỉ số cơ bản nhất là huyết áp và albumin niệu qua đo huyết áp thường xuyên và xét nghiệm nước tiểu để tìm albumin niệu. Với người bệnh bình thường thì 6 tháng một lần nên xét nghiệm albumin niệu, nếu nó có biến loạn thì cần thiết phải làm xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận tiết niệu. Đối với tất cả những người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, glucid hay người cao tuổi thì phải kiểm tra chức năng thận thường xuyên 3 tháng một lần.

Phân loại mức độ của suy thận

Trong giai đoạn đầu khi thận mới bị tổn thương, mức lọc cầu thận có thể bình thường hoặc tăng nhẹ trên 90 ml/ phút. Khi thận suy nhiều hơn, mức lọc cầu thận sẽ giảm dần và kèm theo những biến loạn lâm sàng và xét nghiệm khác. Chức năng thận suy nhẹ khi mức lọc cầu thận: 60 đến 89 ml/phút; suy vừa mức lọc cầu thận từ 30 đến 59 ml/phút; suy nặng mức lọc cầu thận từ 15 đến 29 ml/phút, và đến khi mức lọc cầu thận còn dưới 15 ml/ phút thì đó là suy thận rất nặng và bắt buộc phải điều trị thay thế lọc máu hoặc ghép thận.

Xu hướng hiện nay về điều trị suy thận mạn

Thế kỉ XX, khi điều trị suy thận, người ta đặt song song cả vấn đề về điều trị bảo tồn, lọc máu tại bệnh viện, ghép thận. Nhưng từ những nghiên cứu mới sau này cộng thêm với sự phát triển kinh tế xã hội và lĩnh vực y tế thì từ năm 2000 trở về đây, xu hướng chung là làm thế nào điều trị dự phòng và kéo dài thời gian suy thận nhẹ và vừa, càng lâu càng tốt. Đối với bệnh nhân không thể điều trị kéo dài, cần điều trị sớm thì xu hướng ghép thận là tối ưu. Đối với vấn đề lọc máu là tăng cường tự lọc máu và giảm số lượng lọc máu tại bệnh viện. Tăng cường việc đào tạo cho bệnh nhân có thể nắm được tình trạng bệnh và có thể tự điều trị được, có thể tự lọc máu tại nhà.

Điều trị dự phòng sớm và duy trì mục tiêu điều trị

Hiện nay thầy thuốc cố gắng kéo dài thời gian điều trị bảo tồn cho người bệnh càng lâu càng tốt, từ khi tổn thương thận đến khi suy thận độ I, nhẹ nếu điều trị tốt có thể kéo dài 5 đến 10 năm, khi suy thận vừa đến nặng kéo dài 5 đến 10 năm. Như vậy nếu điều trị tốt có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân không phải lọc máu tới 20-30 năm. Tư vấn và điều trị dự phòng bệnh nhân tốt sẽ giảm thiểu số lượng bệnh nhân phải lọc máu. Duy trì mục tiêu điều trị ở mức khống chế huyết áp dưới 130/80mmHg; Khống chế mức albumin niệu; thuốc sử dụng là ức chế men chuyển đổi angiotensin và ức chế phụ thể angidensin AT1.

Lọc máu hay ghép thận sớm khi có chỉ định thay thế

Thứ nhất là ghép thận với tất cả bệnh nhân có khả năng nếu có người cho. Đối với những người bệnh bắt đầu lọc máu thì nên được lọc máu sớm. Trước đây chúng ta chỉ định lọc máu khi mức lọc cầu thận dưới 10 ml/phút đối với bệnh nhân đái tháo đường, 8ml/phút đối với bệnh nhân không đái tháo đường. Nhưng ngày nay khi mức lọc cầu thận dưới 15ml/phút đã có chỉ định điều trị thay thế thận bao gồm ghép thận, lọc màng bụng, thận nhân tạo. Lọc máu sớm sẽ giúp chức năng thận còn lại duy trì cân bằng nội môi, tham gia các hoạt động nội tiết cũng như giảm các biến chứng lâu dài của người bệnh.