Chào bạn.
Thói quen nhịn tiểu kéo dài sẽ gây nên một số căn bệnh như nhiễm trùng tiểu, sỏi niệu.
Nhiều trẻ em khi đến trường thường hay nhịn tiểu vì e ngại, không dám xin phép cô giáo, vì “nhà vệ sinh ở trường không giống ở nhà”. Không ít người lớn cũng có tâm lý “hãy đợi đấy”, làm xong công việc rồi “giải phóng luôn một thể”. Những điều này đôi khi gây nhiều tác hại cho bạn đấy.
Quá trình đi tiểu không chỉ giúp tống thoát nước tiểu - chất cặn bã ra ngoài mà còn giúp rửa sạch đường tiểu, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn ngược từ ngoài vào trong.
Việc nhịn tiểu không chỉ gây cảm giác khó chịu, bứt rứt tạm thời mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ở người bình thường, việc nhịn tiểu lâu có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu đặc biệt là ở phụ nữ vì niệu đạo ngắn (khoảng 3-4cm) và xung quanh miệng niệu đạo có nhiều nguồn vi trùng (hậu môn, âm đạo) có thể giúp chúng ngược dòng lên trên gây nhiễm trùng; tăng nguy cơ bệnh sỏi niệu.
Đối với trường hợp đang có các bệnh lý như suy thận, nhiễm trùng, thì việc nhịn tiểu sẽ trở nên nguy hiểm, vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn, suy thận nhiều hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Khi nước tiểu ứ đọng lâu sẽ thuận lợi cho những tinh thể và cặn lắng trong nước tiểu có khả năng kết tinh và có nguy cơ dẫn đến sỏi niệu. Về lâu dài, việc nhịn tiểu có thể dẫn đến mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ.
Điều này có thể làm cho bàng quang sẽ kém co bóp và đàn hồi, hai miệng niệu quản sẽ mất khả năng chống trào ngược. Theo đó, lượng nước tiểu ứ đọng sẽ tăng dần, vi khuẩn sẽ nhiễm ngược dòng lên đến thận. Bệnh lý lúc này sẽ nghiêm trọng.
Thực tế có một số trường hợp bị vỡ bàng quang dẫn đến tử vong do nhịn tiểu.
trẻ sơ sinh và nhũ nhi cũng có thể bị nhiễm trùng tiểu nhưng triệu chứng báo động thường không rõ ràng, bé có thể giảm cân, sốt hoặc rối loạn tiêu hóa như chán ăn, tiêu chảy, ói… Ở trẻ lớn hơn và người lớn thì có các triệu chứng cụ thể, rõ ràng như đái buốt, đái gấp, đái máu, đái đục.
Ngay khi có triệu chứng rối loạn đi tiểu cần phải đi khám sớm. Nếu đến điều trị sớm (trong trường hợp viêm bàng quang cấp tính) thì chỉ cần điều trị bằng cách dùng kháng sinh phù hợp từ ba-bảy ngày.
Đồng thời, người bệnh phải thay đổi thói quen: không nhịn tiểu lâu (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ trong điều trị một số bệnh), vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, tình dục an toàn…
Để phòng ngừa nhiễm trùng niệu, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ, nên uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên, không nhịn tiểu lâu ngày; tránh táo bón bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ; giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng cách; với phụ nữ nếu có nhiễm trùng phụ khoa thì dễ có nguy cơ nhiễm trùng niệu hơn nên phải điều trị triệt để.
Chuyên gia thận tiết niệu