Chào BS. Cách đây 7 năm tôi bị bệnh thận ứ nước do hẹp ống nối bể thận niệu quản trái, dẩn đến làm cho thận ứ nước giai đoạn 3. Tôi đã đi mổ để cắt bỏ đoạn bị hẹp và đã trở lại bình thường (theo kết quả của những lần tôi đi kiểm tra sau này cách đây 6 năm). Nhưng quả thận bện trái của tôi vẫn còn ứ nước giai đoạn 3 cho đến bây giờ. 6 năm nay tôi không đi kiểm tra lại thận của mình nữa. Gần đây tôi được biết về tác hại của bệnh suy thận mạn tính và cấp tính nên Tôi muốn hỏi BS là với tình trạng bệnh của Tôi như vậy có khả năng về bênh suy thận cao không? Tôi dự định thứ 7 tuần sau tôi sẽ đi làm xét nghiệm để kiểm tra lại tình trạng và bênh của thận. Tôi thấy lo lắng nên đặt câu hỏi nhờ BS tư vấn giùm. Cảm ơn BS?
Trả lời:
Chào bạn !
Thận ứ nước là hậu quả của tắc đường dẫn nước tiểu trong thận hoặc ngoài thận làm cho thận to lên do chứa nước tiểu. Nếu là thận ứ nước cấp tính thì chức năng thận vẫn tốt. Nhưng nếu kéo dài, không được xử trí thì xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị huỷ hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính.
Biểu hiện lâm sàng của thận ứ nước tuỳ thuộc sự tắc nghẽn cấp tính hay mạn tính, tắc một hay cả hai bên, vị trí tắc ở trên cao hay thấp, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ là thận ứ nước đơn thuần.
Triệu chứng bệnh là đau liên tục, tăng dần, kéo dài từ 30 phút đến 4-5 tiếng, có thể âm ỉ suốt cả ngày. Đau thường khởi phát ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống và ra sau. Người bị thận ứ nước mạn tính thường đau tức âm ỉ, thường xuyên vùng hông lưng hay hố lưng. Cũng có trường hợp tắc nghẽn gây thận ứ nước mạn tính mà không có biểu hiện đau đớn gì đáng kể.
Điều trị bệnh thận ứ nước trước hết phải loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Bạn nên đi khám tại các chuyên khoa tiết niệu để được điều trị sớm và đúng. Thời gian thăm khám của bạn rất lâu rồi, có lẽ bạn đã hơi chủ quan với tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của mình, nên kiểm tra định kỳ bệnh sau khi đã điều trị ổn định.
Bạn cũng nên chú ý trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày cần có khoa học: Uống đủ nước, giảm ăn mặn, cần ăn nhiều rau quả. Điều cần nhất mỗi khi mắc tiểu ta nên đi tiểu ngay, không cố nén quá lâu, nước tiểu ứ lâu là nhân tố nhiễm trùng tiểu và hóa sỏi. Mỗi năm cần siêu âm ít nhất một đến hai lần để xem tình trạng thận của mình.
Chúc bạn sức khỏe !
Chuyên viên thận tiết niệu