Chào bạn.
Sỏi thận có nhiều loại mà cách điều trị và phòng ngừa có khác nhau. Dựa trên cấu trúc lý hóa, ở người Việt Nam, đại đa số sỏi thận là sỏi Oxalat Canxi hay Photphat Canxi. Một số hiếm trường hợp là sỏi Urat hay sỏi Cystin.
Sỏi thận hình thành là do các tinh thể của các chất kể trên trong nước tiểu bị tăng cao bất thường, nên dễ bị kết tủa lại, tạo thành sỏi. Cấu trúc bất thường của đường tiểu, nhiễm trùng tiểu, uống ít nước và các bất thường về chuyển hóa (như bệnh bướu tuyến cận giáp). là những nguyên nhân làm nồng độ các tinh thể trên tăng cao. Như vậy, khi bị sỏi thận thì bệnh nhân cần được điều trị, bao gồm loại bỏ sỏi khỏi cơ thể (bằng cách dùng thuốc hay dùng máy phá sỏi, hay mổ lấy sỏi), tìm và điều trị nguyên nhân tạo sỏi thận và phòng ngừa tái phát sỏi.
Hiện nay, Tây y chỉ có thể điều trị tan sỏi Urat và sỏi Cystin bằng thuốc, còn chưa có thuốc nào làm tan được sỏi có Canxi, là loại sỏi chiếm tới 98% (một giải Nobel đang chờ đợi cho ai phát minh ra thuốc này). Riêng Đông y cho rằng có những bài thuốc sử dụng chuối hột hay thơm, khóm giúp làm tan sỏi thận. Cần có một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc mới biết được liệu các bài thuốc trên có thật sự có hiệu quả trị sỏi thận hay không.
Tây y có một số loại thuốc giúp sỏi thận còn nhỏ ( < 6mm) có thể dễ rơi xuống bàng quang, rồi được tiểu ra ngoài. Đó là các thuốc kháng viêm và lợi tiểu. Bệnh nhân còn được khuyên nên uống nhiều nước, làm sao để mỗi ngày đi tiểu ra khoảng 2 lít/ngày; do đó, người làm việc ngoài nắng như nông dân phải uống nhiều nước hơn người làm trong mát. Ngoài ra, bệnh nhân còn đươc khuyên nên vận động nhiều, nhưng không quá sức, để giúp thận làm việc tốt, thải nhiều nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi nhỏ dễ trôi ra khỏi thận hơn.
Chúc bạn sớm điều trị khỏi bệnh.
Chuyên gia thận tiết niệu